top of page
Ảnh của tác giảPham Ba Thien

Nền tảng Steam bị “chặn” sau hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam – bình luận từ góc độ pháp lý

▪ Email: info@minhthienlaw.com | Website: minhthienlaw.com 

▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99

Thị trường trò chơi điện tử (video game) tại Việt Nam nói chung và cộng đồng game thủ Việt nói riêng đang xôn xao trước sự kiện Steam, một nền tảng phân phối game trên internet nổi tiếng toàn cầu, đang bị “chặn” tại Việt Nam từ đầu Tháng 5 năm nay. Đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, suy đoán về lý do vì sao Steam đột nhiên bị các nhà mạng chặn sau khi đã hoạt động được hơn 15 năm tại thị trường Việt Nam. Hiện tại cũng chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như từ chính nhà cung cấp dịch vụ Steam về việc này. Bài viết này theo đó sẽ bình luận một số vấn đề về pháp lý xoay quanh lý do Steam đang bị cấm truy cập tại Việt Nam.


A. GIỚI THIỆU VỀ STEAM VÀ DỊCH VỤ STEAM CUNG CẤP TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM


Steam là một nền tảng phân phối kỹ thuật số trò chơi điện tử được phát triển bởi Valve Corporation, là tập đoàn công nghệ nổi tiếng về lĩnh vực phát triển, phát hành trò chơi điện tử và phân phối kỹ thuật số của Mỹ (“Valve”). Được ra mắt vào năm 2003, dịch vụ cốt lõi của Steam là cung cấp môi trường kỹ thuật số cho phép người dùng mua sắm, tải về và cài đặt trò chơi điện tử (game) trên máy tính cá nhân của mình, cập nhật tự động trò chơi điện tử đã mua, và dịch vụ chơi game trực tuyến trên nền tảng máy tính cá nhân (“PC”) cho nhiều hệ điều hành phổ biến, bao gồm, nhưng không giới hạn, Microsoft Windows, MacOS, Linux.


Theo thời gian, Steam phát triển thêm nền tảng của mình để tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác mang tính xã hội, tương tác giữa người dùng là game thủ với nhau, và giữa người dùng và những nhà phát triển game khác. Tính đến thời điểm của bài viết này, dịch vụ của Steam bao gồm:

  • Steam Store: dịch vụ nền tảng phân phối game dưới hình thức kỹ thuật số, cho người dùng có thể mua và tải game hoặc phần mềm từ nền tảng Steam về PC, bao gồm cả game do chính Valve sở hữu/phát triển, và game của những nhà phát hành thứ ba khác.

  • Steam Community: dịch vụ mạng xã hội của Steam, theo đó người dùng có thể tham gia các hội, nhóm để cùng thảo luận, chia sẻ những nội dung liên quan đến game được phân phối trên nền tảng Steam. Sau này, Steam Community còn tích hợp trang cá nhân (Steam Profile) và cho phép người dùng tự tùy biến trang cá nhân này theo sở thích, tương tự như Facebook.

  • Steam Workshop: là dịch vụ chia sẻ nội dung giữa người dùng với nhau liên quan đến những nội dung tùy biến, thay đổi game theo sở thích do chính người dùng tạo ra (user-generated mods, maps).

  • Steam Cloud: dịch vụ lưu trữ đám mây cho phép lưu trữ game saves, cho phép người dùng tải về game saves để tiếp tục chơi game từ bất kỳ thiêt bị nào.

  • SteamVR: Dịch vụ thực tế ảo phục vụ cho việc chơi game, bao gồm cả (i) kinh doanh thiết bị phần cứng về VR (mũ chụp SteamVR); và (ii) kinh doanh phần mềm và game liên quan VR.

  • Steam Broadcasting: Dịch vụ stream game trực tuyến cho người dùng.

  • Steam Marketplace: Sàn thương mại điện tử cho phép người dùng Steam mua bán, trao đổi những vật phẩm trong game với nhau.

  • Steam Direct: Dịch vụ phát hành game cho phép nhà phát triển game phát hành game của mình trực tiếp trên nền tảng Steam.

(trong khuôn khổ bài viết này gọi tắt là “Dịch Vụ Steam”)


Với sự hỗ trợ 24 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, Steam dễ dàng tiếp cận người dùng trên toàn cầu, phân phối hơn 100.000 game (trong đó có cả game do chính Valve phát hành), và được cập nhật 6.000 - 8.000 game mỗi năm.


Tính tới thời điểm của bài viết này, tất cả Dịch Vụ Steam nêu trên đều được Valve cung cấp đủ cho người dùng tại thị trường Việt Nam, cũng như phần lớn game được Steam phân phối trên toàn cầu đểu có thể mua được tại Việt Nam. Là một thị trường mới nổi với tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ internet chiếm tỷ lệ rất cao tại Châu Á, Steam phát triển với tốc độ nhanh đáng kể tại thị trường Việt Nam.


Tuy nhiên, bắt đầu từ Tháng 5 vừa rồi, cộng đồng game thủ tại Việt Nam ngỡ ngàng trước sự kiện Steam đột nhiên không thể truy cập được tại Việt Nam. Cụ thể, khi truy cập ứng dụng Steam trên PC hoặc trên thiết bị di động, Steam Store không thể nào truy cập được, đồng nghĩa với việc người dùng không thể thực hiện mua game được phân phối trên nền tảng Steam. Những dịch vụ còn lại của Steam vẫn hoạt động bình thường.


Việc Steam bị chặn làm khơi dậy nhiều câu hỏi liên quan đến việc hoạt động hợp pháp của Steam tại Việt nam. Theo cơ quan quản lý có liên quan, Valve không hề có hiện diện thương mại nào tại Việt Nam cho việc cung cấp những dịch vụ của Steam như đã nêu trên. Nói cách khác, có thể cho rằng từ trước đến nay, Valve đã cung cấp Steam cho người dùng tại Việt Nam theo hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và chưa có bất kỳ nguồn tin nào xác nhận rằng Valve đã có đầy đủ những giấy phép, chấp thuận cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ Steam xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam. Trang báo lớn tại Việt Nam VnExpress đưa tin: theo quan điểm của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, hai lý do chính khiến cho Steam bị chặn vì đã và đang phát hành game không phép tại Việt Nam, và thiếu đầu mối liên hệ tại Việt Nam để phối hợp cùng cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo đảm tuân thủ pháp luật.


Bài viết này theo đó bình luận từ góc độ pháp lý về việc Valve cung cấp Dịch Vụ Steam tại Việt Nam liên quan đến hai vấn đề trên đang được dư luận và cộng đồng game thủ quan tâm là: (i) Valve có được cung cấp Dịch Vụ Steam xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam hay không, và (ii) Valve có cần phải xin các giấy phép có liên quan để thực hiện việc kinh doanh Dịch Vụ Steam của mình Việt Nam hay không.


Lưu ý rằng tác giả không bình luận, phân tích những vấn đề pháp lý khác nằm ngoài hai vấn đề nêu trên như những giấy phép, chấp thuận về mặt tuân thủ pháp luật (compliance) trong quá trình Valve kinh doanh Dịch Vụ Steam tại Việt Nam, cũng như những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc kinh doanh Dịch Vụ Steam.


B. VALVE CÓ ĐƯỢC CUNG CẤP DỊCH VỤ STEAM XUYÊN BIÊN GIỚI HAY KHÔNG


Đầu tiên, Dịch Vụ Steam có thể được phân vào bốn nhóm ngành nghề kinh doanh sau:

(i) Dịch vụ mạng xã hội: Steam Community, Steam Workshop

(ii) Dịch vụ sàn thương mại điện tử: Steam Store, Steam Marketplace

(iii) Dịch vụ thực hiện phần mềm, xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu: Steam Cloud, Steam VR, Steam Boradcasting, Steam Direct

(iv) Dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử trên mạng: đối với việc kinh doanh những tựa game do chính Valve phát triển và phát hành thông qua Steam, như Dota 2, Counter Strike, Team Fortress, Left 4 Dead.


Căn cứ theo những điều ước thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên và những quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam có liên quan về đầu tư nước ngoài, bốn nhóm ngành nghề nêu trên đều có thể được cung cấp bởi một nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu việc Valve đang cung cấp Dịch Vụ Steam cho người dùng Việt Nam qua hình thức cung cấp xuyên biên giới có phù hợp với những điều ước thương mại quốc tế có liên quan và pháp luật Việt Nam hay không?


Hiện tại không có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa vụ thể cho khái niệm “cung cấp xuyên biên giới” (hoặc cung cấp qua biên giới). Tuy nhiên, tham khảo tại Điều 10.1, Chương 10, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (cross-border supply of serivces) có thể hiểu là việc một cá nhân, pháp nhân trực tiếp thực hiện việc cung cấp dịch vụ của mình đến người sử dụng dịch vụ tại lãnh thổ của một quốc gia khác mà không thông qua một hiện diện thương mại của bên cung cấp dịch vụ đó tại quốc gia nơi tiếp nhận dịch vụ.


Ở góc độ pháp lý, Valve với tư cách là một Nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Mỹ đang thực hiện cung cấp Dịch Vụ Steam xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, cần phải thực hiện đánh giá xem ba nhóm ngành nghề kinh doanh nêu trên của Dịch Vụ Steam được quy định như thế nào căn cứ theo:

(i) Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ Số 318/WTO/CK, Phụ lục về Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ (gọi chung là “Cam Kết WTO”); và

(ii) Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc (Central Product Classification) được tham chiếu tại Cam Kết WTO (“Mã CPC”).


Về mặt nguyên tắc chung, một công ty nước ngoài khi muốn thực hiện cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam cần phải đánh giá mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam đối với Nhà đầu tư nước ngoài đó căn cứ vào những điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia nơi mà công ty nước ngoài đó mang quốc tịch đều là thành viên. Trong khuôn khổ bài viết này, xét thấy cả Việt Nam (quốc gia nơi Valve cung cấp Dịch Vụ Steam xuyên biên giới) và Mỹ (quốc gia mà Valve mang quốc tịch) đều là thành viên của WTO, nên việc đánh giá mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam trong khuôn khổ Cam Kết WTO là yếu tố tiên quyết.


Những ngành nghề dịch vụ tại Cam Kết WTO được phân thành ba nhóm sau:

  • Nhóm ngành nghề Không hạn chế: được quy định rõ tại Cam Kết WTO, theo đó Việt Nam cho phép Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện những ngành nghề kinh doanh này một cách đầy đủ, không hạn chế như đối với những nhà đầu tư trong nước.

  • Nhóm ngành nghề Chưa cam kết: được quy định rõ tại Cam Kết WTO, theo đó, Việt Nam sẽ không cho phép Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện những ngành nghề kinh doanh này tại Việt Nam.

  • Nhóm ngành nghề Không cam kết: không được quy định/ nhắc đến tại Cam Kết WTO. Thông thường đối với những ngành nghề này, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng trường hợp cụ thể căn cứ vào những quy định pháp luật trong nước có liên quan đến ngành nghề kinh doanh đó.


Theo đó, ba nhóm ngành nghề kinh doanh của Dịch Vụ Steam tham chiếu theo Cam Kết WTO bao gồm:

STT

Tên dịch vụ

Mô tả theo Cam Kết WTO

Mức độ mở cửa thị trường

1

Dịch vụ mạng xã hội

-

Không cam kết

2

Dịch vụ sàn thương mại điện tử

-

Không cam kết

3

Dịch vụ thực hiện phần mềm, xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu

  • Dịch vụ thực hiện phần mềm, Mã CPC 842.

  • Dịch vụ xử lý dữ liệu, Mã CPC 843.

  • Các dịch vụ máy tính khác, Mã CPC 849.

Không hạn chế đối với những phương thức cung cấp xuyên biên giới và cung cấp thông qua hiện diện thương mại

4

Dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Kinh doanh trò chơi điện tử, Mã CPC 964

Chưa cam kết đối với phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Đối với phương thức hiện diện thương mại, Nhà đầu tư nước ngoài được cung cấp dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp dịch vụ này. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.

Như vậy có thể thấy theo Cam Kết WTO, Valve được quyền cung cấp xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhóm “dịch vụ thực hiện phần mềm, xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu” của Dịch Vụ Steam, bao gồm các dịch vụ Steam Cloud, Steam VR, Steam Boradcasting, Steam Direct.


Tuy nhiên, với hai nhóm dịch vụ của Dịch Vụ Steam là “dịch vụ mạng xã hội” và “dịch vụ sàn thương mại điện tử”, Việt Nam không có bất kỳ cam kết mở cửa thị trường nào tại Cam Kết WTO, điều đó có nghĩa là việc Valve cung cấp hai nhóm dịch vụ này theo phương thức xuyên biên giới vào Việt Nam không mặc nhiên là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật trong nước để đánh giá những điều kiện mà Nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng khi thực hiện cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam. Và theo quy định của pháp luật trong nước, Valve sẽ cần phải thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, phân tích cụ thể ở Phần C của bài viết này.


Và cuối cùng, đối với việc kinh doanh những tựa game của chính Valve phát triển tại Việt Nam thông qua Dịch Vụ Steam (có cả game online và game single player), Valve không được phép thực hiện cung cấp xuyên biên giới vì Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường đối với phương thức cung cấp dịch vụ này, như thể hiện tại Cam Kết WTO. Thay vào đó, Valve sẽ cần thực hiện thông qua một hiện diện thương mại tại Việt Nam với hình thức (i) hợp đồng hợp tác kinh doanh, (ii) hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng với phần vốn góp trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.


Kết luận lại, để có thể cung cấp Dịch Vụ Steam một cách đầy đủ tại thị trường Việt Nam, Valve không thể thực hiện việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được. Cụ thể là, chỉ có nhóm “dịch vụ thực hiện phần mềm, xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu” của Dịch Vụ Steam, bao gồm các dịch vụ Steam Cloud, Steam VR, Steam Boradcasting, Steam Direct là có thể được Valve cung cấp xuyên biên giới. Ba nhóm dịch vụ còn lại, Valve sẽ phải thực hiện thông qua hiện diện thương mại tại Việt Nam cùng với việc có đầy đủ những giấy phép hoạt động cần thiết trước khi kinh doanh Dịch Vụ Steam tại Việt Nam.


C. HIỆN DIỆN THƯƠNG MẠI VÀ GIẤY PHÉP CẦN THIẾT ĐỂ HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM


Theo Điểm (c), Khoản 2, Điều 1 Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO, “hiện diện thương mại” là phương thức cung ứng dịch vụ của một quốc gia thành viên, thông qua việc thành lập một hiện diện thương mại ở lãnh thổ của một nước thành viên khác. Cũng theo Điều 28 của GATS, “hiện diện thương mại” bao gồm pháp nhân (như công ty con), chi nhánh và văn phòng đại diện.


Ngoài ra, theo quy định tại Phụ Lục IV của Luật Đầu tư 2020, “Hoạt động thương mại điện tử”, “Kinh doanh dịch vụ mạng xã hội” và “Kinh doanh trò chơi điện tử” (tức nhóm dịch vụ (ii), (iii) và (iv) của Dịch Vụ Steam) đều là các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, theo Khoản 1 Điều 5, Khoản 2 Điều 7 Luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng các điều kiện tương ứng đó theo quy định của pháp luật. Cụ thể trong trường này, pháp luật Việt Nam quy định về việc cấp phép con (sub-license) cho mỗi nhóm dịch vụ dẫn đến việc bắt buộc Valve phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam để được cấp những giấy phép con có liên quan đó.


1. Yêu cầu về Giấy phép kinh doanh


Theo quy định tại Điểm (h) Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP (“Nghị Định 09”), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần phải được cấp Giấy phép kinh doanh (Trading License). Cũng theo quy định này, Giấy phép kinh doanh chỉ được cấp cho “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Khoản 22 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 định nghĩa “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” là “là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”


Từ những quy định trên, một Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dịch vụ thương mại điện tử phải thông qua một “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, tức Nhà đầu tư đó phải thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, thông thường sẽ dưới hình thức là công ty con có 100% vốn nước ngoài, hoặc công ty mà Nhà đầu tư nước ngoài là thành viên góp vốn hoặc cổ đông.


Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Valve không được phép cung cấp nhóm dịch vụ sàn thương mại điện tử (Steam Store, Steam Marketplace) của Dịch Vụ Steam tại Việt Nam theo hình thức hiện tại là cung cấp xuyên biên giới. Thay vào đó, Valve cần thỏa mãn những điều kiện sau:

(i) Thành lập một tổ chức kinh tế tại Việt Nam có vốn đầu tư của Valve trong đó, tức thay đổi từ hình thức cung cấp xuyên biên giới sang cung cấp thông qua hiện diện thương mại của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế cần thảo mãn những điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh theo Điều 9 Nghị Định 09; và

(ii) Được cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế nêu trên để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.


2. Yêu cầu về Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội


Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (“Nghị Định 72”), tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội (gọi tắt là “Giấy Phép Thiết Lập MXH”). Đồng thời cũng theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 này, một trong những điều kiện để được cấp Giấy Phép Thiết Lập MXH, bên đề nghị cấp giấy phép phải là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp Luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp.


Như vậy, cũng tương tự như điều kiện liên quan đến việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử, Valve không được cung cấp xuyên biên giới nhóm dịch vụ mạng xã hội của Dịch Vụ Steam, mà cũng phải thỏa mãn hai điều kiện sau:


(i) Thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam có vốn đầu tư của Valve trong đó, thỏa mãn các điều kiện được cấp Giấy Phép Thiết Lập MXH theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị Định 72 cũng như những quy định sửa đổi, bổ sung Nghị Định 72, và

(ii) Được cấp Giấy Phép Thiết Lập MXH cho tổ chức kinh tế nêu trên để cung cấp dịch vụ mạng xã hội.


3. Yêu cầu về Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1


Như đã phân tích, ngoài việc phát hành game của những bên thứ ba trên nền tảng Steam, Valve cũng phát triển và phát hành game của chính mình cho người dùng tại Việt Nam. Những game này của Valve có thể phân làm hai nhóm là game online (multiplayer games) và game offline (single-player games). Việc cần có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đối với việc kinh doanh game online và offline của Valve là bắt buộc vì Valve phát hành những game này thông qua môi trường kỹ thuật số (digital), tức người dùng sẽ mua game và tải game trực tiếp từ nền tảng Steam về PC của mình. Những giấy phép này sẽ không áp dụng trong trường hợp kinh doanh game qua hình thức vật lý, tức game được bán cho người dùng qua hình thức băng game, đĩa game vật lý.


Theo Điểm (a) Khoản 1 Điều 31 Nghị Định 72, trò chơi điện tử G1 là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. Ví dụ như những tựa game online nổi tiếng của Valve như Dota 2, Counter Strike các phiên bản, Team Fortress 2, đều được phân loại là “trò chơi điện tử G1” theo quy định tại Nghị Định 72.


Cũng theo Khoản 2 Điều 31 này, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có (i) Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (gọi tắt là “Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1”), và (ii) Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (gọi tắt là “Quyết Định Phê Duyệt Nội Dung Trò Chơi G1”) cho mỗi trò chơi G1 dự định kinh doanh.


Điều 32 Nghị Định 72 quy định những điều kiện luật định để được cung cấp Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1 và Quyết Định Phê Duyệt Nội Dung Trò Chơi G1, theo đó:

(i) Một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1 là: chủ thể xin cấp giấy phép phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của doanh nghiệp đó; và

(ii) Một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp Quyết Định Phê Duyệt Nội Dung Trò Chơi G1 là doanh nghiệp phải có Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1 còn thời hạn tối thiểu 01 năm.


Bên cạnh đó, kết hợp với nội dung tại Cam Kết WTO như đã phân tích tại Phần B của bài viết này, để có thể thành lập doanh nghiệp để xin cấp Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1, doanh nghiệp đó của Valve phải thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thực hiện liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp dịch vụ này. Phần vốn góp của Valve trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.


4. Yêu cầu về Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4


Khác phái trò chơi G1, Điều 31 Nghị Định 72 định nghĩa như sau:

  • Trò chơi G2: là trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp;

  • Trò chơi G3: là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp; và

  • Trò chơi G4: là trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.


Cũng vì đặc tính về cấu trúc, tính tương tác giữa người chơi của những trò chơi được xếp loại G2, G3 và G4 đơn giản hơn trò chơi G1, cũng như những rủi ro tiềm tàng liên quan đến an ninh mạng, thông tin cá nhân của người chơi cũng thấp hơn, nên nhìn chung những điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4 sẽ không khó bằng trò chơi G1 (cấp Giấy chứng nhận thay vì Giấy phép). Một số tựa game nổi tiếng của Valve được xếp vào nhóm này đang được kinh doanh trên Steam bao gồm dòng game Half-life và Portal.


Theo Khoản 3 Điều 31 Nghị Định 72, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3 và G4 khi được cấp (i) Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và (ii) Thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử. Tương tự như Giấy Phép Cung Cấp Trò Chơi G1, cũng theo Điều 33 Nghị Định này, một trong những điều kiện tiên quyết nhất để được cấp giấy chứng nhận là: chủ thể xin cấp chứng nhận phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng phải đáp ứng điều kiện về liên doanh với đối tác trong nước với phần vốn góp trong liên doanh không vượt quá 49% như đã phân tích tại các phần trên.


Từ những phân tích trên, để có thể cung cấp hoàn toàn và đầy đủ Dịch Vụ Steam tại thị trường Việt Nam, Valve bắt buộc phải:

(i) Thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam. Cụ thể, là thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư của Valve và đồng thời phải thực hiện việc liên doanh với đối tác trong nước theo quy định của Cam Kết WTO, với phần vốn góp của Valve trong doanh nghiệp liên doanh đó không vượt quá 49%.

(ii) Phải có đầy đủ những giấy phép nêu trên cho hiện diện thương mại đó của Valve trước khi bắt đầu cung cấp Dịch Vụ Steam tại Việt Nam.


D. KẾT LUẬN


Qua nội dung đã phân tích, có thể kết luận rằng việc Valve đang cung cấp Dịch Vụ Steam tại thị trường Việt Nam như hiện tại đã không phù hợp với điều ước quốc tế mà cả Mỹ và Việt Nam là thành viên cũng như quy định của pháp luật Việt Nam và kết luận này phù hợp với quan điểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đã nêu tại phần đầu của bài viết này. Cụ thể: Valve không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và không có những giấy phép cần thiết để kinh doanh Dịch Vụ Steam tại Việt Nam.


Tuy nhiên, những sai phạm hiện tại của Valve vẫn hoàn toàn khắc phục được vì như đã phân tích, những Dịch Vụ Steam mà Valve cung cấp hoàn toàn có thể được cung cấp tại thị trường Việt Nam và trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Việc Nhà nước đang chặn một phần Dịch Vụ Steam không phải là việc cấm một hoạt động kinh doanh mà bị pháp luật nghiêm cấm kinh doanh, mà được xem là chế tài áp dụng cho những Nhà đầu tư nước ngoài chưa có sự tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ nếu đã xác định kinh doanh Dịch Vụ Steam là vi phạm điều cấm của pháp luật, thì có thể Steam đã bị chặn từ rất lâu tại Việt Nam, hoặc nếu bây giờ mới chặn, thì sẽ chặn hoàn toàn mọi dịch vụ liên quan đến Steam rồi. Thực tế Dịch Vụ Steam chỉ bị chặn mỗi Steam Store, tức phần dịch vụ sàn thương mại điện tử để khách hàng Việt Nam mua game, những phần khác của Dịch Vụ Steam vẫn đang hoạt động bình thường mặc dù Valve đang kinh doanh không đúng với quy định của điều ước quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam.


Vì vậy, việc chặn Steam Store, vốn chỉ là một bộ phận trong Dịch Vụ Steam, nhưng lại là phần dịch vụ tạo ra doanh thu cho Vavle, là một chế tài Việt Nam vẫn thường áp dụng đối với Nhà cung cấp dịch vụ quốc tịch nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quan điểm tác giả, khi Valve chấp nhận khắc phục, xử lý những vi phạm pháp lý hiện hành, cũng như tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình kinh doanh Dịch Vụ Steam tại Việt Nam, thì không có căn cứ gì để Dịch Vụ Steam của Valve bị cấm tại Việt Nam.


Tải về để xem nội dung bài viết chi tiết hơn: Tiếng Việt | Tiếng Anh


Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này

  • thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;

  • không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và

  • không cấu thành tư vấn pháp lý của Minh Thien Law và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com | thien@minhthienlaw.com


63 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page