Trong Tháng 3 năm nay xảy ra một tình huống pháp lý được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ nợ xấu thẻ tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Cụ thể, một khách hàng tại Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam đã mở thẻ tín dụng Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào tháng 03 năm 2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Trong tháng 04 và tháng 07 năm 2013, thẻ tín dụng của khách hàng này phát sinh dư nợ gốc 8.554.625 đồng. Tuy nhiên theo Eximbank, số dư nợ này không được thanh toán đúng hạn. Theo công văn do Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) gửi đến khách hàng này vào ngày 08/11/2023 để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên, số dư nợ thẻ tín dụng này đã trở thành nợ xấu và tạm tính đến ngày 31/10/2023 đã phát sinh số nợ lãi 8.830.314.924 đồng. Theo đó tổng nợ gốc và lãi là 8.838.869.549 đồng (trong khuôn khổ bài viết này gọi tắt là “Vụ Nợ Xấu Tại Eximbank”).[1] k
Tính đến thời điểm đăng tải bài viết này, toàn bộ hồ sơ liên quan vụ việc này đã được chuyển về hội sở của Eximbank tại Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh. Vì vậy, chưa rõ vụ việc này giữa Eximbank và người khách hàng nêu trên sẽ được giải quyết như thế nào. Tuy nhiên, đặt giả định Eximbank sẽ khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để đòi toàn bộ nợ gốc và lãi, tổng cộng gần 9 tỷ đồng, tác giả bài viết này cho rằng hai tình huống sau có khả năng xảy ra vì thời hiệu khởi kiện trong vụ án này đã hết theo quy định của pháp luật:
(i) Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tức không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại cả nợ gốc lẫn nợ lãi của Eximbank là 8.838.869.549 đồng; hoặc
(ii) Eximbank chỉ có thể đòi lại được phần nợ gốc là 8.554.625 đồng, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại phần nợ lãi 8.830.314.924 đồng.
Bài viết này theo đó bình luận về “thời hiệu khởi kiện” theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành và đánh giá tầm quan trọng trong việc xác định thời hiệu khởi kiện liên quan đến các tranh chấp trong quan hệ vay ngân hàng, đồng thời liên hệ thực tiễn với Vụ Nợ Xấu Tại Eximbank.
1. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ HƯỚNG DẪN CỦA CƠ QUAN TƯ PHÁP
Trước tiên, cần xác định quan hệ cho vay giữa ngân hàng và cá nhân, tổ chức là một giao dịch được xác lập trên cơ sở hợp đồng tín dụng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 154 và Điều 429 Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Theo đó, trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đương sư có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án, theo quy định tại Điểm (e), Khoản 1, Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, liên quan đến những tranh chấp về giao dịch cho vay, mượn tài sản, thời hiệu khởi kiện không được áp dụng trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật dân sự.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn, giải đáp cụ thể về định hướng xét xử những tranh chấp liên quan giao dịch vay Ngân hàng, cụ thể là:
(i) Theo nội dung giải đáp tại Đoạn 2, Phần III, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/08/2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử (gọi tắt là “Công Văn 02”)[2], trường hợp bên đi vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ và sau đó Ngân hàng khởi kiện khi đã hết thời hạn 03 năm tính từ ngày nghĩa vụ thanh toán bị vi phạm thì Tòa án định hướng xét xử như sau:
Xác định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, Ngân hàng có quyền khởi kiện đòi lại theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật dân sự như đã phân tích trên, tức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu.
Theo đó, Tòa án xác định Ngân hàng có quyền khởi kiện bên đi vay để đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình là khoản nợ gốc của khoản vay. Trong tình huống này, Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.
(ii) Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự (gọi tắt là “Nghị Quyết 03”) cũng hướng dẫn cụ thể cho Tòa án trong việc đánh giá thời hiệu khởi kiện khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến giao dịch vay Ngân hàng. Cần lưu ý rằng Nghị Quyết 03 đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016, tuy nhiên nội dung được hướng dẫn tại Điều 23 nghị quyết này vẫn được tiếp thu để soạn thảo phần giải đáp tại Công Văn 02 như đã phân tích. Điểm (b) Khoản 3 Điều 23 Nghị Quyết 03 hướng dẫn như sau:
“(b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ 1: Ngày 01/01/2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01/01/2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03/04/2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.”
Qua nội dung trên, cả Công Văn 02 và Nghị Quyết 03 đều đưa ra một định hướng giải quyết đối với những tranh chấp về giao dịch vay Ngân hàng phát sinh sau thời hạn 03 năm tính từ ngay bên đi vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ như sau:
Không chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền lãi vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Xem xét chấp thuận yêu cầu đòi lại khoản nợ gốc vì được xem là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
2. LIÊN HỆ THỰC TIỄN VỚI VỤ NỢ XẤU TẠI EXIMBANK
Từ những phân tích về mặt lý luận tại Phần 1 của bài viết này, giả định rằng Eximbank sẽ khởi kiện khách hàng trong Vụ Nợ Xấu Tại Eximbank để đòi lại cả khoản nợ gốc và lãi (gần 9 tỷ đồng) ra Tòa án có thẩm quyền, nếu bị đơn có yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện, thì khả năng đòi lại số tiền 9 tỷ đồng của Eximbank là rất thấp. Vì không có bất kỳ thông tin gì liên quan việc khách hàng đề nghị gia hạn thời gian trả nợ, hoặc chuyển đổi khoản nợ thẻ tín dụng thành trả góp, nên thời điểm khách hàng bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ thẻ tín dụng rơi vào khoảng tháng 08/2013, nghĩa là thời hiệu để Eximbank có thể khởi kiện đòi lại cả nợ gốc và lãi sẽ trong khoảng thời hạn từ 08/2013 – 08/2016. Nói cách khác, tính tới thời điểm soạn thảo bài viết này, thời hiệu khởi kiện để đòi lại nợ gốc và lãi đã hết được hơn 06 năm.
Như đã nêu tại phần mở đầu, tác giả cho rằng hai tình huống sau có thể xảy ra trường hợp Vụ Nợ Xấu Tại Eximbank được đưa ra giải quyết tại Tòa án:
(i) Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tức không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại cả nợ gốc lẫn nợ lãi của Eximbank là 8.838.869.549 đồng.
Tình huống này có thể xảy ra khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án xem tranh chấp này là tranh chấp hợp đồng tín dụng và không phải là tranh chấp yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu.
Trong trường hợp này, bị đơn (khách hàng nợ thẻ tín dụng) có thể phải nộp đơn yêu cầu áp dụng áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Khi tình huống này xảy ra, Eximbank có thể phải khởi kiện lại ra Tòa án một vụ án dân sự khác yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trong trường hợp muốn đòi lại khoản nợ gốc 8.554.625 đồng.
(ii) Eximbank chỉ có thể đòi lại được phần nợ gốc là 8.554.625 đồng, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại phần nợ lãi 8.830.314.924 đồng.
Tình huống này có thể xảy ra khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án xác định lại quan hệ tranh chấp từ “tranh chấp hợp đồng tín dụng” thành tranh chấp “đòi lại tài sản” thuộc quyền sở hữu của Eximbank. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ không đưa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết, mà sẽ tiếp tục giải quyết vụ án đã thụ lý.
Tựu chung lại, dù tình huống nào xảy ra trên thực tế trong trường hợp Vụ Nợ Xấu Tại Eximbank được đưa ra giải quyết tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, Eximbank sẽ gặp bất lợi khi xét đến yếu tố thời hiệu khởi kiện về hợp đồng.
Nếu bị đơn, tức khách nợ thẻ tín dụng, nắm và hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan đến thời hiệu khởi kiện về hợp đồng, có thể kết quả khả quan nhất mà Ngân hàng đạt được khi khởi kiện khách hàng ra Tòa án có thẩm quyền là đòi lại được khoản nợ gốc ban đầu.
[2] Nguyên văn Đoạn 2, Phần III, Công Văn 02 tại Phụ Lục bên dưới.
PHỤ LỤC BÀI VIẾT
Đoạn 2, Phần III, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/08/2021 của Tòa án Nhân dân Tối cao |
2. Ông A vay của Ngân hàng 01 tỷ đồng, thời hạn vay 01 tháng kể từ ngày 02-01-2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 01 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày 03-02-2017 đến ngày 03-02-2020, Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không? Theo quy định Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Do đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không. |
Tải về để xem nội dung bài viết chi tiết hơn: Tiếng Việt | Tiếng Anh
Miễn trừ trách nhiệm:
Bài viết này
thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;
Không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và
không cấu thành tư vấn pháp lý của Minh Thien Law và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com
Comments