top of page
Ảnh của tác giảPham Ba Thien

Thực tiễn việc giải thích pháp luật và định tội liên quan đến tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây


Ngành tư pháp Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang khởi tố và đưa ra xét xử nhiều đại án kinh tế được xã hội đặc biệt quan tâm xoay quanh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Một số vụ án đáng chú ý như vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba, vụ án liên quan Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, vụ án liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đều có những truy tố xoay quanh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong thực tiễn tố tụng tại Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại, việc xác định một hành vi phạm tội cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vẫn là thách thức không nhỏ đối với cả cán bộ nhà nước ngành tư pháp cũng như giới luật sư.


1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

Theo quy định tại Điều 174 và Điều 175  của Bộ luật hình sự hiện hành:

  • Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối như tạo ra tình tiết không có thật, dùng lời nói dối hoặc tài liệu giả mạo để chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Cá nhân A giả mạo là người đại diện hợp pháp của một công ty lớn để ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa, thu về số tiền lớn nhưng và sau đó bỏ trốn cùng số tiền chiếm đoạt được.

  • Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của người phạm tội sau khi người này được giao, nhận được, hoặc đang quản lý một cách hợp pháp. Ví dụ: Cá nhân B là một kế toán trưởng, đã sử dụng quỹ của công ty mình làm việc để đầu tư cá nhân mà không được sự đồng ý của công ty.


Theo đó, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có sự tương đồng về những yếu tố sau:

(i) Về mặt khách thể: đều xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Đối tượng tài sản bao gồm cả tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

(ii) Về mặt khách quan: người phạm tội đều có hành vi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đó, dẫn đến hậu quả như được quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật hình sư của mỗi tội danh tương ứng.

(iii) Về mặt chủ thể: người phạm tội đều là người đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

(iv) Về mặt chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được hậu quả khi phạm tội, và mong muốn hậu quả xảy ra.


Ở góc độ lý luận, việc đánh giá “thủ đoạn gian dối” trong mặt khách quan của tội phạm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xem hành vi phạm tội cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã có hành vi, thủ đoạn gian dối trước thời điểm nhận được tài sản từ nạn nhân. Thông thường, thủ đoạn gian dối biểu hiện dưới hình thức người phạm tội đưa ra những thông tin sai lệch, không chính xác để lừa dối nạn nhân, khiến cho họ tin tưởng vào những thông tin sai lệch, không chính xác đó và từ đó giao tài sản cho người phạm tội, và cuối cùng là bị chiếm đoạt tài sản. Ví dụ từ thực tiễn xét xử các đại án kinh tế trong những năm gần đây là Vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba. Theo đó, những hành vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dễ nhận diện như thể hiện tại bản án số 607/2022/HS-ST tuyên ngày 29/12/2022 bởi Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ như là:

  • liên quan đến phần lớn dự án do Alibaba bán cho nhà đầu tư, các bị cáo trong vụ án đều tự vẽ ra dự án và rao bán ngay sau khi các công ty của nhóm bị cáo đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và đã đặt cọc cho bên chuyển nhượng, đất nhưng chưa thực hiện các thủ tục cập nhật biến động, đăng ký chuyển đổi tên người sử dụng đất. Có nghĩa là cùng một diện tích đất, chưa thực hiện sang tên, nhưng Alibaba lại bán cho nhiều người;

  • công ty của nhóm Alibaba đã thực hiện mua hàng trăm hecta đất nông nghiệp, là loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang thành đất ở, và sau đó thực hiện phân nền lô đất, tự ý giả tạo ra dự án bất động sản không có thật, tự đặt tên rồi chào bán cho các nhà đầu tư là nạn nhân trong dự án.


Đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội không có động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản trước và tại thời điểm nhận được tài sản, mà chỉ nảy sinh ý định chiếm đoạt sau khi nhận được tài sản. Nói cách khác, người phạm tội nhận được tài sản thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp như việc vay, mượn tài sản, nhưng khi đến hạn phải trả lại tài sản, người phạm tội phát sinh thủ đoạn gian dối và tìm cách chiếm đoạt tài sản đó. Lấy một ví dụ thực tiễn là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong vụ án này, các bị can, bao gồm Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát và các con gái của người này, đã cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang cần vốn để thực hiện dự án đầu tư (đa phần là dự án bất động sản). Tuy nhiên, thay vì ký kết hợp đồng vay, nhóm bị can yêu cầu bên vay ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án đang cần vốn đầu tư đó với bản chất là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, khi bên đi vay đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, nhóm bị can đưa ra nhiều lý do bất hợp lý để từ chối việc trả lại dự án, cho rằng bên đi vay đã vi phạm thỏa thuận nên mất quyền đòi lại dự án, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.


2. THỰC TIỄN ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ LIÊN QUAN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Vì có nhiều nét tương đồng trong cấu thành tội phạm nên trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi có sự nhầm lẫn trong việc định tội danh trong trường hợp dấu hiệu pháp lý đặc trưng phân biệt hai tội như đã phân tích trên không thể hiện một cách rõ rệt, hoặc trong một tình huống phức tạp hơn là hành vi phạm tội vừa có yếu tố lừa đảo, vừa có yếu tố lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Trên thực tiễn, đã từng xảy ra hiện tượng rằng trong hai vụ án nhưng có cùng một hành vi phạm tội với cách thức thực hiện tương đối giống nhau, cơ quan tiến hành tố tụng trong cả hai vụ lại định tội danh khác nhau, ví dụ như:

  • Vụ án xảy ra vào năm 2020 tại Tỉnh Nghệ An. Người bị buộc tội đã ký kết một hợp đồng thuê xe ô tô từ một cửa hàng cho thuê xe với thời hạn thuê 07 ngày, khi hết thời hạn thuê, người này đã đề nghị gia hạn hợp đồng. Sau khi đã gia hạn, người này vì lý do cần tiền nên đã tự ý đem xe đến cửa hàng cầm đồ để cầm chiếc xe ô tô, bằng việc đưa ra thông tin giả tạo cho chủ tiệm cầm đồ là xe này do người nhà đứng tên hộ. Sự việc bị bại lộ sau khi chủ xe đề nghị thanh lý hợp đồng thuê xe và sau đó, người này đã bị Tòa án có thẩm quyền xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

  • Vụ án khác xảy ra vào năm 2021 tại Tỉnh Hà Tĩnh với tình tiết khá tương tự vụ án trên. Người phạm tội đã thuê một chiếc ô tô với thời hạn thuê 10 ngày từ chủ sở hữu xe. Khi hết thời hạn thuê, người này cũng đã đề nghị gia hạn. Sau khi gia hạn, với lý do cần tiền trả nợ, người này đã thực hiện làm giả giấy đăng ký xe và mang đi cầm đồ. Chủ tiệm cầm đồ đã bị giấy tờ xe giả tạo đó qua mặt nên đã chấp nhận cầm chiếc xe và giao tiền cho người phạm tội. Sự việc cũng bị bại lộ khi chủ xe đề nghị thanh lý hợp đồng thuê xe. Tuy nhiên trong vụ án này, người phạm tội lại bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua hai ví dụ trên, có thể thấy cùng một hành vi phạm tội, nhưng việc định tội danh lại khác nhau, không có sự thống nhất bởi cơ quan tiến hành tố tụng. Cần lưu ý rằng hình phạt đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nghiêm trọng hơn so với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạnt tài sản”, nên việc xác định đúng tội danh có ý quan trọng đối với người bị buộc tội.


Tính tới thời điểm hiện tại, Tòa án Nhân dân tối cao đã có các Công văn thống nhất quan điểm xét xử đối với các tội liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những giải đáp này xoay quanh một số tình huống pháp lý cụ thể và hay xảy ra chứ không đưa ra một hướng dẫn chung cho việc định tội, hoặc phân biệt giữa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”


Liên quan đến những đại án hình sự về kinh tế gần đây, tác giả có quan điểm rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã áp giải thích và truy tố tội danh một cách thuyết phục, điển hình như bản án hình sự sơ thẩm số 607/2022/HS-ST tuyên ngày 29/12/2022 bởi Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến Vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba , về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Những đại án kinh tế khác vẫn đang trong quá trình điều tra, xét xử nên chưa có cơ sở để đánh giá rằng việc kết tội trong các vụ án này có thuyết phục hay không.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm lại cho rằng trong những năm gần đây, nhóm tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu ngày càng gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn cho xã hội, nên trong những trường hợp mà không thể xác định rõ được một hành vi phạm tội được xem là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hay là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cơ quan tiến hành tố tụng thường có xu hướng chứng minh hành vi phạm tội cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Tải về để xem nội dung bài viết chi tiết hơn: Tiếng Việt | Tiếng Anh


Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này

  • thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;

  • Không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và

  • không cấu thành tư vấn pháp lý của Minh Thien Law và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com



43 lượt xem0 bình luận

Comentários


bottom of page