Minh Thien Law xin được giới thiệu Bản tin pháp lý tổng hợp một số quy định, chính sách pháp luật có hiệu lực trong Tháng 5 mà Quý khách hàng có thể quan tâm. Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ tới chúng tôi tại: ▪ Email: info@minhthienlaw.com ▪ Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99 ▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh |
A. QUY ĐỊNH MỚI VỀ CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH MỨC GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN BÌNH QUÂN
Quyết định 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Phó Thủ tướng Chính phủ ký thông qua sẽ có hiệu lực vào ngày 15/05/2024 (“Quyết Định 05”). Theo đó, việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng nằm
Hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”), giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện (“Giá Bán Điện Bình Quân Hiện Hành”).
2. Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với Giá Bán Điện Bình Quân Hiện Hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với Giá Bán Điện Bình Quân Hiện Hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với Giá Bán Điện Bình Quân Hiện Hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với Giá Bán Điện Bình Quân Hiện Hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Theo đó, EVN chỉ được điều chỉnh giá bán điện bình quân tương ứng khi đã có được tất cả các chấp thuận có liên quan từ Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan.
3. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu quy định tại Quyết Định 05 đã được giảm từ 06 tháng xuống còn 03 tháng so với quy định hiện hành tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg.
B. QUY ĐỊNH MỚI VỀ CỤM CÔNG NGHIỆP
Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ 01/5/2024 (“Nghị Định 32”). Cụ thể, Nghị Định 32 quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Một số quy định đáng lưu ý tại Nghị Định 32 bao gồm:
1. Điều kiện thành lập cụm công nghiệp
Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha.
2. Điều kiện mở rộng cụm công nghiệp
Tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;
Hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung thiết yếu (gồm: Đường giao thông nội bộ, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
3. Ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp
Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày;
Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;
Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cụm công nghiệp;
Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;
Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.
4. Ưu đãi đầu tư
Theo quy định tại Nghị Định 32, Luật Đầu Tư 2020 và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan, cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,theo đó:
Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
C. THÀNH LẬP THÀNH PHỐ BẾN CÁT THUỘC TỈNH BÌNH DƯƠNG, THÀNH PHỐ GÒ CÔNG THUỘC TỈNH TIỀN GIANG
Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương, và Nghị quyết 1013/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Theo đó, kể từ ngày 01/5/2024, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ chịu trách nhiệm thi hành các Nghị Quyết này để thành lập thành phố Bến Cát tại Tỉnh Bình Dương, và thành phố Gò Công tại Tỉnh Tiền Giang với những thông tin cơ bản sau:
1. Thành phố Bến Cát
Được thành lập trên cơ sở thị xã Bến Cát, rộng 234,35 km2, dân số gần 364.600, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An.
Thành phố Bến Cát giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TP Hồ Chí Minh.
2. Thành phố Gò Công
Được thành lập lập trên cơ sở thị xã Gò Công, diện tích 101,69 km2, dân số 152.000, gồm 7 phường: Phường 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung.
Thành phố Gò Công giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và Tỉnh Long An.
Tải về để xem nội dung bài viết chi tiết hơn: Tiếng Việt | Tiếng Anh
Comments