top of page

Những điểm nổi bật của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

  • Ảnh của tác giả: Pham Ba Thien
    Pham Ba Thien
  • 18 thg 5
  • 8 phút đọc

▪ Email: info@minhthienlaw.com | Website: minhthienlaw.com 

▪ Địa chỉ: Tầng 19, P.1901, Saigon Trade Center, Số 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Số điện thoại: 0913 865 900 ; 09 77 33 77 99

Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2020 (gọi tắt là “Dự Thảo”) và đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân, dự kiến trình Quốc hội thảo luận, thông qua vào Tháng 5/2025. Theo Bộ Tài chính, Dự Thảo nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp. Bài viết này tổng hợp một số điểm mới đáng lưu ý của Dự Thảo.


A.    VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TRÌNH TỰ, HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP


Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các vấn đề về hồ sơ, trình tự thủ tục như Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân (Điều 19), Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh (Điều 20), Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn (Điều 21), Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần (Điều 22), Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Điều 23), Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 26), Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 28), Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 30), Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Điều 31), Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh (Điều 45).


Dự Thảo đã bãi bỏ các quy định trên và chủ trì soạn thảo đưa các quy định trên xuống Nghị định. Việc thay đổi này nhằm mục đích phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật tại Kết luận số 119-KL/TW, cụ thể “Phân định rõ thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản dưới luật; cơ bản không quy định thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ trong luật mà giao Chính phủ, các bộ quy định theo thẩm quyền nhưng không được đặt thêm thủ tục hành chính, phát sinh thêm giấy phép con so với hiện hành”.


B.    QUY ĐỊNH CÁC KHÁI NIỆM MỚI


Dự Thảo đưa ra các khái niệm mới như “kê khai khống vốn điều lệ”, “tình trạng pháp lý của doanh nghiệp”, “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân”, “quyền chi phối doanh nghiệp”, “sở hữu gián tiếp”.


Khoản 35 Điều 4 Dự Thảo bổ sung định nghĩa “Kê khai khống vốn điều lệ” là hành vi kê khai vốn điều lệ lớn hơn số vốn thực tế góp tại thời điểm hoàn thành việc góp vốn theo quy định. Việc kê khai khống vốn điều lệ hay tình trạng “vốn ảo” không phải là một việc xa lạ trong hoạt động doanh nghiệp khi mà vốn điều lệ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rất lớn nhưng thực tế lại thấp hơn rất nhiều. Việc đưa ra định nghĩa này nhằm có cơ sở xử lý các hành vi sai phạm này trong thực tiễn.


Khoản 36 Điều 4 Dự Thảo bổ sung định nghĩa “tình trạng pháp lý của doanh nghiệp” bằng cách liệt kê 07 tình trạng: (1) tạm ngừng kinh doanh; (2) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; (3) bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; (4) đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, sáp nhập; (5) đang làm thủ tục phá sản; (6) đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại; (7) đang hoạt động. Việc quy định rõ tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như cho đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đó.


Khoản 37 Điều 4 Dự Thảo sửa đổi bổ sung định nghĩa “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân” là cá nhân có một trong các tiêu chí sau: (1) Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; (2) Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp; (3) Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là điểm mới nổi bật nhất trong Dự Thảo. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Điều ước quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thì việc đưa ra khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” là bước đệm đầu tiên cho một loạt các quy định liên quan đến vấn đề phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.


C.    “NỘI LUẬT HÓA” CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ PHÒNG CHỐNG, RỬA TIỀN


Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Tuy nhiên, theo kết quả tại Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT), Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).


Ngày 30/6/2023, FATF đã chính thức đưa Việt nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám). Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì hậu quả là nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nghiên cứu của IMF, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu đô la Mỹ tùy thuộc quy mô nền kinh tế.


Nếu Việt Nam không có các hành động khắc phục trong việc thực hiện cam kết thì FATF sẽ tiếp tục đưa Việt Nam vào “Danh sách Đen”. Khi đó, Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều tác động nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp.


Ví dụ như: các tổ chức tài chính của Việt Nam sẽ bị cấm thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài; các chi nhánh, công ty con của tổ chức tài chính Việt Nam tại nước ngoài sẽ chịu sự tăng cường kiểm tra, giám sát; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể sẽ giảm sút.


Và một trong những biện pháp khắc phục tình trạng này là bổ sung quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Do đó, Dự Thảo đã bổ sung một loạt các quy định liên quan đến thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.


Đầu tiên, doanh nghiệp có nghĩa vụ thu thập, cập nhật, lưu trữ và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi trong suốt quá trình hoạt động và đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi mà mình cung cấp. Nếu như quy định này có hiệu lực thi hành thì các doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì việc kê khai bổ sung thông tin chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp được thực hiện đồng thời tại thời điểm doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc xác minh, đối chiếu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi xét thấy cần thiết.

Thứ ba, thậm chí khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động thì ít nhất 05 năm kể từ ngày doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh đều phải lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.


D.   MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG LƯU Ý KHÁC


Thứ nhất, mở rộng phạm vi đối tượng được thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định trước đây của Luật Doanh nghiệp thì cán bộ, công chứng, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng Dự Thảo đã loại trừ viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tương tự, viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng thuộc nhóm đối tượng được góp vốn vào doanh nghiệp.


Thứ hai, trước đây ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhưng Dự Thảo quy định theo hướng ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh bao gồm một, một số hoặc toàn bộ ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.


Thứ ba, bổ sung trách nhiệm của cổ đông hoặc nhóm cổ đông về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật, giải quyết các tranh chấp liên quan (nếu có) khi đứng ra triệu tập họp Đại Hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền.


Xem nội dung bài viết trình bày theo hình thức ấn phẩm: Tiếng Việt | Tiếng Anh


Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết này

  • thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả liên quan đến chủ đề chính được nhắc đến trong bài viết này, có giá trị tham khảo tốt nhất tại thời điểm đăng tải bài viết;

  • không được xem là quan điểm, ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong bất kỳ trường hợp nào; và

  • không cấu thành tư vấn pháp lý của Luật Minh Thiên (Minh Thien Law) và không nên được áp dụng để giải quyết bất kỳ tình huống pháp lý cụ thể nào.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@minhthienlaw.com | 09 77 33 77 99 - 0913 865 900


Comentarios


A: Phòng 1901, Tầng 19, Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

  • LinkedIn
  • Whatsapp
  • Facebook

2023 @Vietnam | All rights reserved 

bottom of page